Cây cầu dừa gắn liền tuổi thơ của người Miền Tây sông nước

Cây cầu dừa gắn liền với đời sống của người dân Nam Bộ đã từ rất lâu. Cây cầu này trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của bà con miền sông nước. Bên cạnh cây cầu khỉ rất đỗi thân thuộc thì cây cầu dừa cũng gắn liền với tuổi thơ của biết bao nhiều người con Nam Bộ. Đối với nhiều người nơi đây, đi qua một cây cầu dừa trở nên thật quá dễ dàng. Loại cầu này làm nên nét đặc trưng riêng của văn hóa Nam Bộ mà không vùng miền nào khác có được.

Hình ảnh cầu dừa của miền quê sông nước

Vùng đất miền Tây Nam bộ với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Vùng đất trù phú đã hình thành nên một nền văn hóa miệt vườn sông nước với những chiếc “cầu dừa” bắc qua sông rạch kênh mương. Cầu dừa gắn liền với đời sống sông nước miệt vườn; và trở thành hình ảnh thân quen và rất đỗi thân thương của người dân miền Tây Nam bộ. Cây cầu dừa miệt vườn sông nước vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân miền Tây Nam Bộ. Nó là nét đẹp hết sức độc đáo về cảnh quan và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ngày ấy, vùng quê này còn nghèo, cây cầu dừa đã chung tình với mảnh đất quê hương, quen thuộc với người dân nông thôn.

Cầu dừa gắn liền với tuổi thơ của người dân miền Tây

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người người, nhà nhà; đều tuân thủ mọi nguyên tắc để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Thực hành “ai ở đâu ở yên đó” để góp sức chống dịch. Ðối với không ít người, đây là khoảng thời gian để sống chậm lại. Để dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, và tôi cũng vậy. “Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn”, khiến tôi nhớ về khoảng thời gian tuổi thơ ấm áp ở vùng quê nhỏ. Không ti-vi, không điện thoại, không đồ chơi hiện đại như tụi nhỏ bây giờ. Nhưng tuổi thơ tôi đầy ắp tiếng cười bên những người thân yêu nhất.

Cầu dừa cây cầu gắn liền với tuổi thơ
Cầu dừa cây cầu miền quê sông nước

Là người con vùng sông nước, quê ở tận miệt thứ U Minh; nên cứ nhớ quê là tôi nhớ về hình ảnh những cây cầu lắt lẻo. Ấn tượng nhất với tôi chính là cây cầu dừa. Một đứa nhóc vùng quê nhỏ mới lên 5 như tôi có thể tự tin đi thoăn thoắt qua bất cứ cây cầu khỉ nào, nhưng… ..với cầu dừa thì tôi chịu thua. Thế nên tôi rất sợ cầu dừa.

Cây cầu khắc sâu trong trí nhớ của trẻ thơ

Trong trí nhớ non choẹt của cô bé lên 5, phía bên hông nhà có cái ao rất rộng, nối liền đôi bờ bởi cây cầu dừa. Bên đây là nhà tôi, còn bên kia ao là vườn trái cây sum suê được ba tôi vun trồng. Mảnh vườn to với đủ loại cây ăn trái trĩu quả đúng là sức hút lớn với bọn con nít chúng tôi. Nên dù sợ cây cầu dừa thì tôi vẫn luôn tìm mọi cách để sang bờ bên đó.

Nhà tôi có 5 anh chị em: 3 chị gái, anh Năm và tôi là út. Nói là út chứ tôi hung dữ nhất nhà. Có lần tôi bắt anh Năm phải cõng qua cầu dừa, nếu không tôi sẽ cắn. Biết tính tôi nói là làm, anh Năm dù không thích cũng phải để nhỏ em gái trên lưng đi qua cây cầu dừa.

Cây cầu dừa thân thuộc với mọi đứa trẻ Miền sông nước

Tôi đang hí hửng, thích thú nghĩ tới cảm giác được tự tay bẻ trái ổi, cắn liền một cái chua chua, ngọt ngọt thì… ùm. Tôi rơi tự do từ trên lưng anh Năm xuống ao và cũng quẫy nước tự do vì tôi không biết bơi. Cảm giác phấn khởi cũng chìm nghỉm xuống ao chung với tôi. Tôi chỉ còn nghe tiếng anh Năm ngồi vắt vẻo trên cây cầu dừa, cười giòn, kêu mẹ:

– “Mẹ ơi, mẹ ra mà coi con Út nó không biết lội mà nó biết lặn nè”.

Mẹ tôi đang ngồi trước nhà bắt chí cho chế Tư, nghe tiếng kêu thất thanh của ông anh tôi, mẹ hớt hải chạy ra, la lớn:

– “Trời ơi! Chết con nhỏ rồi”.

Rồi mọi người xúm nhau ẵm tôi lên sốc nước. Từ đó câu chuyện “không biết lội mà biết lặn” trở thành chuyện được nhắc nhiều trong những lần họp mặt gia đình.

Cầu dừa nét văn hóa của người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long
Cây cầu gắn với ký ức tuổi thơ

Cây cầu dừa mang nét mộc mạc của làng quê

Không biết bơi nhưng lại mê nước, không biết đi cầu dừa nhưng tôi lại yêu nét giản dị, thô sơ của nó. Biết tính em gái, anh Năm tôi mỗi lần xuống ao bắt cá là cho tôi ngồi ở cây cầu chơi để vừa bắt cá, vừa trông chừng tôi. Có hôm anh Năm chơi ác: “Ðố Út dám nhảy từ cầu xuống”. Vì nước không sâu, thấy anh Năm đứng chỉ ngang bắp chân. Tôi cũng mạnh mẽ mà nhảy ùm xuống và tiếp tục uống nước. Ấy vậy mà tôi vẫn yêu cây cầu dừa, vẫn tin anh Năm tôi “bất chấp”.

Rồi vùng quê tôi bị xâm nhập mặn, từng bờ liếp phủ kín cây ăn trái ngày nào được ba tôi ban xuống để nuôi tôm. Cái ao ngày xưa được lấp đầy đất vì ba sợ tôi ra ao chơi một mình nguy hiểm. Cây cầu dừa cũng bị mang lên bờ, mục nát theo thời gian.

Cây cầu dừa qua nỗi nhớ của những người con xa quê hương

Lớn lên mỗi đứa một phương lập nghiệp, cứ mỗi dịp về xúm xít bên nhau lại nhớ chuyện cây cầu dừa. Nhớ về tuổi thơ, nhớ vùng quê yên bình; nhớ những tháng ngày hạnh phúc bên ba mẹ! Hơn 30 năm xuôi ngược mưu sinh, mỗi khi nhớ về quê hương lại thương da diết. Quê hương tôi đó, miệt thứ U Minh, tuy gần nhưng rất xa. Tuy cách trở những vẫn luôn trong trái tim người xa quê.

Dịch bệnh bùng phát, mỗi ngày nghe những thông tin về tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sáng nay, thấy thông tin quê tôi bị phong toả do phát hiện nhiều ca F0. Lo lắng nhiều, nhưng mọi nơi đều đang phải gồng mình chống dịch. Nhớ quê lắm nhưng tôi cũng chỉ có thể dõi theo từ xa và mong quê hương mạnh mẽ vượt qua đại dịch lần này. Lúc này, yêu quê hơn hết chính là nâng cao ý thức. Là tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Cầu dừa cây cầu mang nét đặc trưng của người dân Nam Bộ
Cây cầu gợi nhớ về ký ức của những người Miền Tây xa quê

Cây cầu gắn liền với mọi gia đình ở vùng quê Nam Bộ

Có lẽ chuyện đó làm tôi ám ảnh cả tuổi thơ, nên trạc tuổi tôi đứa nào cũng lội như nhái, chỉ có tôi là không dám lội sông. Trước đây, trước nhà có con sông to lắm. Nghe ba tôi kể, hồi đó sông này chỉ là cái lòng lạch thôi, mùa hạn muốn chà gạo thì phải lội đẩy xuồng chứ không bơi được. Thấy quá khó khăn, người dân hùn nhau thuê xáng vô múc.

Từ khi có sông rộng, sâu, bọn trẻ tụi tôi mê lắm. Cứ chiều là hẹn nhau, đứa thì cây chuối, đứa cái can 20 lít, đứa cặp dừa khô nhảy xuống sông tập lội. Chỉ có tôi là ngồi trên bờ dõi theo. Mấy lần thấy tôi ham, ba nói để ba cõng tôi lội; nhưng chân mới vừa chạm nước thì tôi lại khóc thét. Bà nội liền la: “Bây cho nó lên đi, để bà thuỷ bả quở, rồi con nhỏ bị bệnh”.

Thế là giấc mơ bơi lội của tôi khép lại từ đó. Cứ mùa mưa đến, nước dưới ao dâng đầy, tôi lại ngồi bên bờ ao để bắt từng con nòng nọc bỏ vào keo chơi. Nước trong đến nỗi thấy từng đường nứt của lòng đất. Cây cầu dừa vẫn ở đó, vẫn là nỗi sợ của tôi nhưng không hiểu sao tôi không thấy ghét nó. Tôi thích cảm giác được anh Năm cõng qua cầu; được nhìn xuống dòng nước trong veo và cảm nhận sự yên bình của vùng quê, của tình yêu thương bên gia đình nhỏ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *