Có gì ở làng nghề dệt khăn rằn trăm tuổi ở Đồng Tháp?

Từ bao đời chiếc khăn rằn đã gắn liền với người dân Đồng Tháp nói riêng và miền Tây nói chung. Nó trở thành hình ảnh gần gũi và là biểu tượng của những người dân nơi đây. Người Miền Tây không ai không biết về loại khăn này. Những ai yêu thích sự mộc mạc của chiếc khăn rằn Miền Tây đều không thể không biết đến làng nghề ở Hồng Ngự, Đồng Tháp. Đây là món quà lưu niệm không thể thiếu với những khách du lịch khi ghé thăm nơi đây. Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu về làng nghề này nhé.

Chiếc khăn rằn đã không còn xa lạ gì với người Việt Nam. Đặc biệt là người dân Nam Bộ. Khăn rằn Nam Bộ vốn có xuất xứ từ Campuchia với tên gọi karma. Dần dà du nhập vào Việt Nam với tên gọi khăn rằn hay khăn choàng. Từ thời kháng chiến, hình ảnh những cô gái miền Nam cổ quấn khăn vai đeo súng đi vào nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, nhiều bộ phim… Ngày nay, giới trẻ xem chiếc khăn rằn như một vật dụng đa năng trong mỗi chuyến du lịch hay “phượt”. Dùng khăn che nắng, giữ ấm hay chỉ đơn giản là tạo dáng trong những bức hình check in lung linh.

Làng nghề dệt khăn rằn tại Đồng Tháp có từ lâu đời

Ở một vùng quê hẻo lánh, có một làng nghề dệt khăn rằn lâu đời nhất miền Tây; vẫn âm thầm tồn tại từ gần trăm năm nay. Du khách đến Đồng Tháp thường bị thu hút bởi vẻ hoang sơ của Vườn quốc gia Tràm Chim; làng hoa kiểng Sa Đéc hay những cánh đồng sen đặc trưng của vùng đất sen hồng. Ít người biết rằng ở một vùng quê hẻo lánh, có một làng nghề dệt khăn rằn lâu đời nhất miền Tây vẫn âm thầm tồn tại từ gần trăm năm nay.

Chiếc khăn rằn tồn tại rất lâu đời
Chiếc khăn rằn gắn liền với hình ảnh người con gái Nam Bộ

Tôi có dịp đến thăm làng nghề dệt khăn rằn Long Khánh 2 lần. Lần đầu khi đi làm một phóng sự phục vụ cho môn học thời đại học, xe cộ đi lại rất vất vả. Lần sau quay lại dịp gần đây để dẫn bạn tôi đi tìm mối hợp tác kinh doanh các sản phẩm khăn rằn cho khách du lịch. Từ trung tâm thị xã Hồng Ngự chúng tôi bắt một chuyến phà qua sông để qua được cồn Long Khánh. Từ đây, đi xe ôm hoặc đi bộ thêm khoảng 3km. Chúng tôi đến được làng nghề dệt khăn rằn thuộc ấp Long Tả – xã Long Khánh A – huyện Hồng Ngự – Đồng Tháp. Bà con nơi đây quen gọi đây là làng dệt choàng (khăn choàng).

Tìm về làng nghề dệt khăn rằn để trải nghiệm

Con đường bê tông nhỏ men theo sông, bên đường là nhà của người dân san sát nhau và kiểu nhà cũng giống nhau: nhà gỗ nền cao, sơn màu xanh nhiều, nhìn rất mát mẻ. 7h sáng, hàng quán tấp nập, khu chợ nhỏ cuối đường có cái tên rất lạ: Chợ Đuôi. Chợ nhỏ toàn bà con quanh làng mang tôm cá tươi, rau củ từ vườn trên cồn hái mang ra bán. Cồn được bao quanh bởi một nhánh sông Cửu Long nên phù sa trù phú tốt tươi.

Đến chợ Đuôi, hỏi thăm nhà dì Tám dệt choàng thì ai ai cũng biết; và chỉ đường cho chúng tôi đến tận cửa nhà. Dì Tám là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống dệt khăn. Nhà dì Tám cũng làm theo kiểu giống người dân xung quanh, bên trên để sinh hoạt. Còn bên dưới sàn gỗ là những khung máy dệt làm việc từ sáng đến tối mịt. Quanh nhà dì Tám là mấy chục hộ gia đình khác cũng theo nghề dệt choàng. Tạo thành một làng nghề nhộn nhịp âm thanh của những khung dệt lạch cạch. Hình thức hoạt động của làng nghề gần như độc lập giữa các hộ gia đình. Tức là mỗi hộ đều tự làm được mọi công đoạn để cho ra một chiếc khăn rằn thành phẩm.

Các công đoạn phức tạp để tạo ra một chiếc khăn rằn

Rất nhiều sản phẩm được láy ý tưởng từ chiếc khăn rằn
Khăn rằn được quảng bá như một nét văn hóa của người dân Nam Bộ

Đến tận làng nghề này tôi mới biết để tạo ra chiếc khăn rằn thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Bước đầu tiên là đảo chỉ: từ cuộn chỉ nguyên liệu mua ở nhà máy. Họ dùng máy quay thành những cuộn chỉ rời. Tiếp theo sẽ mang những cuộn chỉ đó đi nhuộm màu xanh đỏ tím vàng tùy thích và hồ bột. Sợi chỉ bình thường rất mềm, nhưng khi hồ bột xong sẽ cứng hơn do đó khi dệt sẽ dễ dàng hơn. Việc hồ bột phải trải qua quá trình ngâm khoảng 1 ngày, rồi hấp bằng nồi áp suất. Sau cùng mới mang ra phơi nắng để giữ được màu chất lượng nhất.

Sau khi hồ bột và nhuộm, các cuộn chỉ sẽ được lên hoa cửi rồi mang ra khung dệt. Lên hoa cửi là sao? Là xếp chỉ thành cuộn với các màu so le nhau. Cuộn sau khi xếp gọi là cuộn hoa cửi. Chiếc máy dệt cùng với con thoi, răng lược sẽ biến những cuộn hoa cửi thành những chiếc khăn hoàn chỉnh với họa tiết màu sắc khác nhau. Những người thợ cho biết chỉ khoảng 5 phút; là dệt được một chiếc khăn thành phẩm với kích thước 120x40cm. Một người thợ dệt, dệt bằng khung cửi công nghiệp liên tục trong một ngày; thì được khoảng 40 đến 60 chiếc khăn có khổ dài 120×60 cm

Sản xuất khăn rằn thủ công được thay thế bằng dệt công nghiệp

Ai yêu thích vẻ đẹp mộc mạc, nhẹ nhàng của những chiếc khăn choàng Nam Bộ; đều biết đến làng nghề dệt choàng nổi tiếng xứ Hồng Ngự (Đồng Tháp). Cũng như bao làng nghề truyền thống khác, làng nghề dệt choàng Long Khánh A ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, đã từng đứng trước nguy cơ mai một. Từ trong cái khó, người dân nơi đây đã “thử” thoát khỏi lối mòn của tư duy sản xuất truyền thống. Chủ động đổi mới sáng tạo, tìm đến những phương thức sản xuất mới, cho ra đời những sản phẩm mang tính đột phá. Nhờ vậy, một làn gió mới đã khiến nơi làng nghề trăm tuổi hồi sinh.

Sản xuất khăn rằn thủ công được thay thế bằng dệt công nghiệp
Sản xuất khăn rằn thủ công được thay thế bằng dệt công nghiệp

Xã Long Khánh A chính thức có điện vào năm 2004. Đến năm 2005 các hộ dân trong làng nghề truyền thống mới bắt đầu đặt mua các khung cửi công nghiệp chạy bằng mô tơ điện. Nó vừa tiết kiệm thời gian, giảm nhân công và tăng được năng suất dệt. Tuy nhiên để dệt được những chiếc khăn rằn tinh xảo thì vai trò của những người thợ dệt cũng hết sức quan trọng; nhất là yếu tố sức khỏe và lòng yêu nghề. Vì ngoài các công đoạn đã được động cơ hóa như: Đảo chỉ, suốt chỉ, dệt thì các công đoạn như: nhuộm, qua hồ, phơi và nhất là móc thành các cuộn hoa cửi để dệt thì đều vẫn còn làm thủ công cả.

Sản phẩm khăn rằn nhiều lần được quảng bá rộng rãi

Nhà dì Tám làm nghề dệt lâu năm và có uy tín; nên công việc diễn ra quanh năm không ngơi tay. Tiếng máy dệt chỉ ngưng khi đêm xuống, cũng là lúc dì kiểm hàng, đóng hàng, nhận điện thoại của các mối làm ăn từ khắp nơi. Dì Tám nhiều lần được đại diện làng nghề mang sản phẩm ra Hội chợ của Tỉnh quảng bá. Tiếp đón các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm làng nghề.

Bạn tôi xuất phát từ niềm yêu thích với các loại khăn rằn trong và ngoài nước; đã hợp tác tiêu thụ các sản phẩm của gia đình dì Tám. Sau này, rất nhiều sản phẩm ứng dụng từ chiếc khăn rằn truyền thống ra đời và được nhiều bạn trẻ yêu thích như: áo dài khăn rằn, túi xách, cà vạt, băng đô cài tóc… Nếu có dịp ghé thăm Hồng Ngự – Đồng Tháp. Mời bạn ghé qua cồn đất bình yên ven sông này để tham quan làng nghề dệt lâu đời này nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *